Tìm hiểu về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ"
Báo chí thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cùng 4 thuộc cấp để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 5 bị can liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Các Quyết định, Lệnh của Cơ quan An ninh điều tra nêu trên đã được Viện KSND tỉnh Thanh Hóa phê chuẩn.
Theo đó, các bị can bị khởi tố và bắt tạm giam, gồm: Trần Văn Công, sinh năm 1960 trú tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa (nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương);
Chu Đức Khương, sinh năm 1979 trú tại phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa (Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Xương);
Mai Ngọc Tứ, sinh năm 1970 trú tại xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương (Chủ tịch UBND xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương);
Lê Đình Khoa, sinh năm 1974, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá (Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Quảng Xương, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) và Nguyễn Văn Luyện, sinh năm 1969 trú tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (cán bộ địa chính UBND xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, nguyên cán bộ địa chính xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương). Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra.
Vậy tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" là gì, bị xử phạt như thế nào?
Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như sau:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. Theo Khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Nếu người gây thiệt hại cho xã hội không có dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn thì hành vi gây thiệt hại có thể cấu thành một tội phạm khác.
Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình, cho người khác hoặc cho một nhóm người nào đó. Động cơ cá nhân khác có thể là củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất…
Khách thể của tội phạm
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.
Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Theo đó, làm trái công vụ là không làm hoặc làm không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Hậu quả của tội phạm rất đa dạng, chúng có thể là những thiệt hại mang tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người… Khi có hậu quả xảy ra thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.
Thủ đoạn phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện tội phạm.
Khung hình phạt
+ Khung cơ bản: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
+ Khung tăng nặng: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (Khoản 2 Điều 356); Phạt tù từ 10 đến 15 năm (Khoản 3 Điều 356);
+ Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng./.
Nếu bạn đọc cần tư vấn thêm về vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin như sau:
- Hotline: 0919591663
- Email: ducthienlaw@gmail.com
- Địa chỉ: Số 26, đường Nguyễn Xiển, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.