Duc Thien Law
hotline0919591663
emailducthienlaw@gmail.com
addressĐường Nguyễn Xiển, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Trách nhiệm trong tranh chấp đất đai: Chứng cứ là "thành trì" của sự thật

Lượt xem: 49

Tranh chấp quyền sử dụng đất từ lâu đã trở thành một trong những điểm nóng của xã hội. Từ những vụ kiện giữa cá nhân với cá nhân, doanh nghiệp với người dân cho đến những vụ việc liên quan đến các quyết định hành chính của chính quyền, mỗi vụ tranh chấp đều đặt ra một câu hỏi then chốt: Chứng cứ nào mới là “kim bài miễn tử” để bảo vệ quyền lợi hợp pháp?

Thực tế cho thấy, không ít vụ án kéo dài hàng năm trời chỉ vì chứng cứ không rõ ràng, bị làm giả hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Vậy, trong tranh chấp đất đai, chứng cứ nào mang tính quyết định và làm sao để bảo vệ quyền lợi của người dân trước những mảng tối của tiêu cực?

Giấy tờ pháp lý: Cốt lõi của quyền sử dụng đất

Theo quy định pháp luật, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) là bằng chứng pháp lý quan trọng nhất xác nhận quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, không ít trường hợp giấy tờ này lại trở thành công cụ của những trò “ảo thuật” pháp lý.

Một số hình thức sai phạm phổ biến liên quan đến giấy tờ đất đai bao gồm: Làm giả sổ đỏ để hợp thức hóa đất chiếm dụng; Cấp sổ đỏ chồng lấn lên đất của người khác; Sổ đỏ “từ trên trời rơi xuống” khi một cá nhân bỗng dưng có giấy chứng nhận dù trước đó chưa từng có tài sản trên khu đất đó.

Với những trường hợp này, ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tòa án sẽ xem xét thêm quá trình cấp giấy, nguồn gốc đất và hồ sơ quản lý đất đai qua các thời kỳ. Điều này giúp xác định đâu là giấy tờ hợp pháp và đâu là sản phẩm của những hành vi trục lợi.

Chứng cứ về quá trình sử dụng đất: Sự thật không thể bị xóa nhòa

Trong nhiều vụ tranh chấp, có những mảnh đất mà người dân đã sinh sống, canh tác hàng chục năm nhưng khi xảy ra tranh chấp lại bị tước đoạt chỉ vì không có sổ đỏ. Đây là lỗ hổng pháp lý đã và đang bị lợi dụng một cách trắng trợn.

Trong các vụ việc này, những chứng cứ về quá trình sử dụng đất trở thành thành trì cuối cùng bảo vệ quyền lợi của người dân, bao gồm: Biên lai nộp thuế đất qua các thời kỳ; Chứng từ về việc đóng góp nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; Xác nhận của chính quyền địa phương về thời gian sử dụng đất; Lời khai của nhân chứng (hàng xóm, tổ trưởng dân phố, chính quyền cũ….).

Đáng tiếc, trong nhiều trường hợp, những chứng cứ này bị bỏ qua hoặc cố tình "bỏ sót" để phục vụ lợi ích nhóm. Điều này khiến không ít người dân rơi vào cảnh mất đất ngay trên chính mảnh đất của mình.

Hồ sơ địa chính: “vũ khí” hai mặt

Hồ sơ địa chính, bao gồm bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ đăng ký ruộng đất là những tài liệu mang tính pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, không ít trường hợp tài liệu này đã bị chỉnh sửa, làm sai lệch để phục vụ mục đích tư lợi.

Những dấu hiệu điển hình của tiêu cực liên quan đến hồ sơ địa chính bao gồm: Hồ sơ bị “bốc hơi” hoặc chỉnh sửa để thay đổi hiện trạng đất; Bản đồ địa chính bị điều chỉnh nhằm “hợp thức hóa” quyền sử dụng đất của người khác; Xóa tên chủ cũ, thay tên chủ mới trong sổ mục kê mà không có căn cứ hợp pháp…

Nhiều người dân chỉ khi xảy ra tranh chấp mới tá hỏa nhận ra rằng đất của mình trên giấy tờ đã thuộc về người khác. Đây là vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi cơ quan chức năng phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ qua nhiều thời kỳ để làm sáng tỏ sự thật.

Những lỗ hổng pháp lý và trách nhiệm của cơ quan nhà nước

Một trong những vấn đề lớn nhất trong tranh chấp đất đai là sự thiếu minh bạch của chính quyền địa phương. Không ít trường hợp, cán bộ địa chính, UBND cấp xã, huyện đã cố tình làm sai lệch hồ sơ để hợp thức hóa việc cấp đất sai quy định; Thiếu trách nhiệm trong việc lưu trữ và quản lý tài liệu khiến chứng cứ quan trọng bị thất lạc; Trì hoãn cung cấp hồ sơ để gây khó khăn cho bên yếu thế trong tranh chấp.

Chính vì vậy, để đảm bảo công bằng, người dân cần chủ động lưu giữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất; Yêu cầu sao lưu, xác nhận tài liệu từ cơ quan chức năng càng sớm càng tốt; Đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, gian lận trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Chứng cứ là nền tảng của công lý

Một vụ tranh chấp đất đai có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm nếu không có chứng cứ rõ ràng. Chứng cứ không chỉ là “vũ khí pháp lý” để bảo vệ quyền lợi mà còn là rào cản chống lại các hành vi gian dối, trục lợi và tiêu cực.

Những người đang đứng trước một cuộc tranh chấp cần phải hiểu rằng: Sự thật chỉ có giá trị khi được chứng minh bằng chứng cứ xác đáng. Và nếu không đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình ngay từ bây giờ, rất có thể, một ngày nào đó, bạn sẽ mất đi chính mảnh đất mà mình từng tin rằng nó mãi mãi thuộc về mình./.

Đức Thiện

Nếu bạn đọc cần tư vấn thêm về vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin như sau:

  • Hotline: 0919591663
  • Email: ducthienlaw@gmail.com
  • Địa chỉ: Đường Nguyễn Xiển, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Bình luận

XEM THÊM

Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại là gì?

Trường hợp nào không được hưởng thừa kế đất đai hiện nay?

Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan

Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân

Án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm

Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản

Khi nào hủy bỏ hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật?

© Copyright 2024-2025 Duc Thien Law. Thiết kế bởi Zozo